Dự bị đại học tại Đức - Tất tần tật từ A đến Z

Ngày đăng: 31/07/2023 02:18 PM

Nội dung chính:

    Nước Đức được xếp hạng là một trong những nước có chất lượng nền giáo dục hàng đầu Châu Âu. Hiện nay, nước Đức thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế với hệ thống giáo dục tuyệt vời, nhiều ngành học đa dạng cùng chất lượng sống cao.

    Tuy nhiên đối với sinh viên nước ngoài, tiêu chuẩn để được học tập tại Đức cũng khá khắt khe. Vậy Dự bị Đại học tại Đức là gì?

     

    Dự bị đại học là gì?

    Dự bị Đại Học hay còn gọi là Studienkolleg, là một khóa học 1 năm (2 học kỳ) dành cho các sinh viên nước ngoài không thuộc khối Liên minh Châu Âu (Schengen) muốn sang học Đại học tại Đức.

     

    Tại sao cần phải học dự bị Đại Học đối với sinh viên nước ngoài?

    Sở dĩ sinh viên nước ngoài cần học dự bị Đại Học trước khi chính thức bước vào cuộc sống sinh viên tại Đức vì hệ thống giáo dục của nước họ khác với nước Đức. Tại Đức, thời gian học từ tiểu học tới phổ thông của học sinh kéo dài 13 năm, nhiều hơn hẳn so với thời gian học của học sinh Việt Nam là 1 năm.

     

    Chính vì vậy, khoá học dự bị Đại Học là bắt buộc đối với các bạn sinh viên Việt Nam vừa thi đỗ Đại Học hoặc đã học Đại Học nhưng chưa quá 2 năm để cân bằng với thời gian học của học sinh tại Đức. Bằng tốt nghiệp dự bị Đại Học cũng tương đương như là bằng tốt nghiệp THPT của học sinh Đức (gọi là Abitur).

     

    Các khối ngành của dự bị Đại Học

    Để đủ điều kiện học dự bị Đại Học tại Đức, học sinh nước ngoài cần phải tham gia một khóa thi đầu vào (Aufnahmeprüfung) đáp ứng đủ điểm sàn thông qua của trường đó. Có 5 khối ngành lớn của dự bị Đại Học tại Đức mà các bạn sinh du học sinh cần phải lưu ý, đó là:

    ●     Khối M (M-kurs): tương ứng các ngành liên quan tới y, dược, hoá, sinh.

    ●     Khối W (W-kurs): tương ứng với các ngành liên quan tới kinh tế, quản trị kinh doanh.

    ●     Khối T (T-kurs): tương ứng với các ngành liên quan tới công nghệ thông tin, tin học, kĩ thuật.

    ●     Khối G (G-kurs): tương ứng với các ngành xã hội, không bao gồm các ngành ngôn ngữ và dịch thuật phiên dịch, trừ Ngôn ngữ Đức.

    ●     Khối S (S-kurs): tương ứng với các ngành ngôn ngữ, dịch thuật và phiên dịch

     

    Sở dĩ hai khối ngành G-kurs và S-kurs khá giống nhau vì cùng liên quan tới các ngành xã hội nên có một số trường dự bị Đại Học sẽ gộp chung thành một nhóm ngành S/G-kurs. Tuy nhiên, phần lớn các trường dự bị Đại Học tại Đức sẽ trách riêng S-kurs và G-kurs ra.

     

    Hình thức thi đầu vào dự bị Đại học tại Đức

    Tất cả các thí sinh đều phải thực hiện bài thi tiếng Đức, theo yêu cầu trình độ tiếng Đức trong bộ hồ sơ xin giấy dự thi (Zulassung) là mức B1 nhưng lời khuyên của Interzen là trình độ tiếng Đức của bạn nên đạt mức B2 để có thể vượt qua bài thi đầu vào này. Ngoài ra, các thí sinh có nguyện vọng học các khối học T- Kurs, M- Kurs, và W Kurs sẽ phải thực hiện thêm 1 bài thi toán, và thường thì bài thi này sẽ diễn ra trong cùng một ngày với bài thi tiếng Đức, hoặc ngay vào ngày hôm sau.

    Hình thức dự thi theo lẽ thường sẽ là thi trực tiếp tại các trường dự bị đại học mà thí sinh đăng ký nguyện vọng. Thí sinh sẽ xin thị thực bay sang Đức với giấy dự thi (Zulassung) và thường sẽ được cấp thị thực ngắn hạn ( 3 tháng, có trường hợp là 6 tháng) với mục đích dự thi bài thi đầu vào của một trường dự bị đại học. Vì vậy, trong quá trình chờ đợi giấy dự thi (Zulassung) thí sinh cần đồng thời chuẩn bị bộ hồ sơ xin thị thực Đức, và ngay sau khi nhận được giấy dự thi (Zulassung) thí sinh nên mở tài khoản phong tỏa (Sperrkonto) cho mục chứng minh tài chính để hoàn thành hồ sơ xin thị thực. Bởi thường thì sau khoảng 1 tháng thí sinh mới nhận được thị thực và cũng phải gấp rút mua vé máy bay ngay sau đó để kịp tham gia bài thi đầu vào.

     

    Được tham gia bài thi đầu vào bao nhiêu lần?

    Thí sinh có giấy dự thi (Zulassung) và có thể sắp xếp lịch trình để tham gia bài thi (một số trường dự bị đại học có ngày thi trùng nhau) thì việc tham gia bài thi bao nhiêu trường đều hoàn toàn là quyền tự do của thí sinh. Tuy nhiên, nếu bạn nhỡ không may mắn không thể vượt qua bài thi, thí sinh sẽ phải đợi đến đợt thi của kỳ học sau, cũng như cần liên lạc lại với trường dự bị đại học mà thí sinh đăng ký xem có thể dự thi lần 2 hay không.

     

    Thí sinh cần làm gì trong trường hợp này, ví dụ như có cần xin lại giấy dự thi hay không? Thông thường, với các thí sinh sang Đức với thị thực dự thi, có thể tìm một khóa học tiếng và đăng ký ngay để tiếp tục được gia hạn thị thực với mục đích học tiếng, rồi đồng thời học tiếng và chuẩn bị cho đợt thi Aufnahmeprüfung sắp tới.

     

    Điều kiện nhập học

    Điều kiện học Dự bị Đại học tại Đức như sau:

     

    Học vấn

    Học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia:

    • Phải thi các bài thi độc lập Toán, Văn, Ngoại ngữ và tổ hợp tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Không thay thế bài thi Ngoại ngữ bằng chứng chỉ Ngoại ngữ.
    • Tổng 6 môn từ 36 điểm trở lên, không có môn nào dưới 4 điểm. Có ít nhất 4 môn trên 6 điểm.
    • Xác nhận trúng tuyển vào Đại học chính quy ở Việt Nam.

     

    Hồ sơ

    Mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau về điều này, có thể liên hệ với trường để được hướng dẫn kỹ hơn. Tuy nhiên, dưới đây là một số hồ sơ thường thí sinh phải chuẩn bị:

    • Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (có ghi rõ môn thi và điểm thi)
    • Bằng tốt nghiệp THPT
    • Giấy báo đậu đại học
    • Bảng điểm đại học (nếu có)
    • Chứng chỉ tiếng Đức
    • Sơ yếu lý lịch
    • Thư bày tỏ nguyện vọng
    • Bản sao hộ chiếu
    • Chứng chỉ APS
    • Chứng chỉ TestAS
    • Chứng minh tài chính trong thời gian cư trú bên Đức

    Học dự bị đại học trong bao lâu?

    Du học sinh sẽ có hai năm kể từ ngày nhận Visa sang Đức để hoàn thành hết chương trình dự bị đại học. Nếu vẫn chưa thực sự tự tin vào trình độ và kiến thức tiếng Đức của mình, thí sinh có thể đăng ký học thêm tiếng Đức tại một trung tâm tiếng Đức để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Thông thường, một khóa học dự bị sẽ kéo dài 2 kỳ, tức là trong vòng khoảng một năm. Sau 2 năm, nếu thí sinh vẫn chưa hoàn thành hết dự bị đại học thì nguy cơ phải quay trở về nước là rất cao, cùng với đó thí sinh sẽ khó có cơ hội để quay trở lại học tập tại nước Đức.

     

    Thêm một điều nữa thí sinh phải lưu ý, theo đúng quy định, các thí sinh được phép học dự bị trong vòng 2 năm kể từ khi nhận Visa sang Đức, chỉ được phép thi 2 lần bài kiểm tra đầu ra FSP. vào cuối học kỳ 2, bạn sẽ thi một bài kiểm tra FSP để được xét tuyển vào trường đại học, và bài thi này chỉ được phép thi hai lần. Cụ thể hơn, nếu thí sinh đã tham gia kỳ thi này hết 2 lần và bị trượt mà vẫn chưa nhận được chứng nhận của trường dự bị đại học, dù còn thời gian trong khoảng 2 năm quy định, thí sinh vẫn buộc phải kết thúc việc học của mình tại đất nước Đức.

    Thi đầu ra (Feststellungsprüfung)

    Sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học, du học sinh sẽ phải tham gia kỳ thi đầu ra (Feststellungsprüfung) và kết quả của cuộc thi này sẽ quyết định phần nào việc du học sinh có vào được trường đại học yêu thích hay không. Thông thường thì chỉ thi những gì đã học trong chương trình dự bị đại học, nên chỉ cần chú ý lúc học, ôn thi sớm và đừng học tủ thì chắc chắn du học sinh sẽ có thể vượt qua kỳ thi này với kết quả như ý.

    Kết luận

    Trên đây là một số thông tin hữu ích về hệ thống dự bị Đại Học (Studienkolleg). Mong rằng đó sẽ là những chia sẻ hữu ích dành cho các bạn ứng viên đang có ý định muốn du học Đức bậc Đại Học. Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình du học Đại học tại Đức hãy liên hệ ngay qua thông tin bên dưới nhé!

    Chúc các bạn thành công!

    [THÔNG TIN LIÊN HỆ]

    • Du học Interzen (InterGroup) – Học bổng du học các nước
    • Hotline: 0931 800 100 (Nhấn phím 3)
    • Website:www.Interzen.vn | www.akane.vn
    • Fanpage: Interzen - Việc làm quốc tế | Akane Manpower
    • Form đăng kí: https://forms.gle/9MmD4VVqKfFTbUUS7